Văn hóa uống trà tồn tại ở nhiều quốc gia trên TG, tuy nhiên chỉ khi du nhập vào Nhật chúng mới được nâng lên thành một đẳng cấp mới. Thế nhưng, đừng lầm tưởng xứ anh đào chỉ có mỗi matcha, hãy cùng khám phá bí mật các loại trà người Nhật Bản ưa dùng.
Trà là thức uống được du nhập vào đảo quốc Nhật từ Trung Hoa nhưng nghi thức thưởng trà đã được cải biến và trở nên độc đáo tới mức chẳng còn ai quan tâm tới điều đó. Có thể nói, bây giờ nhắc đến trà đạo là người ta nghĩ ngay tới Nhật Bản.
Không sai, nhưng Matcha không phải loại trà duy nhất ở xứ sở Phù Tang. Matcha là trà Nhật thì đúng, nhưng quan niệm trà Nhật là Matcha thì chưa chính xác, bởi đất nước này có rất nhiều loại.
Sở dĩ Nhật Bản có nhiều loại trà khác nhau là do quy trình canh tác và sản xuất khác nhau. Chỉ thêm, bớt công đoạn cũng có thể cho ra loại trà đa dạng về màu sắc và hương vị. Hãy khám phá một số loại trà Nhật mà có thể bạn chưa bao giờ nghe tên nhé.
1. Trà xanh Nhật Bản: Sencha
Sencha là trà xanh Nhật Bản được hấp ngay sau khi hái (trong trạng thái lá trà vẫn còn tươi) để ngăn chặn quá trình lên men vốn diễn tiến ngay sau khi hái trà, bằng cách làm như vậy trà xanh sẽ giữ được lâu. Tùy thời gian hấp mà độ tươi của trà thay đổi, thời gian hấp càng lâu thì độ tươi càng giảm và kèm theo đó là màu trà càng chuyển sang màu xanh lục.
Các cấp độ hấp trà (theo thứ tự thời gian từ ít đến nhiều) của sencha: Asa-mushi (hấp sơ) – Chu-mushi (hấp vừa) – Fuka-mushi (hấp sâu) – Toku-mushi (hấp lâu) – Goku-mushi (hấp 2 lần).
2. Trà gạo rang Nhật Bản: Genmai-cha
Genmai trong tiếng Nhật có nghĩa là “gạo lứt”, tức là hạt gạo chỉ xát vỏ trấu mà chưa xát vỏ cám. Có người cho rằng loại trà này bắt nguồn từ một người đàn ông ở Kyoto, anh ta đánh rơi chiếc bánh gạo nhưng không muốn bỏ phí, thế nên anh ta đã bẻ nhỏ ra để uống cùng trà. Cũng có người cho rằng loại trà này xuất xứ từ đất nước láng giếng của Nhật Bản là Hàn Quốc.
Người Nhật kết hợp nhiều loại trà (như Sencha, Houjicha) với gạo theo nhiều tỉ lệ khác nhau để có vị trà đặc biệt này. Gạo dùng để làm Genmaicha là gạo nâu, được ngâm và rang cho dậy mùi trước khi trộn với lá trà. Đặc điểm của genmai-cha là do thành phần gạo rang lớn (thường khoảng một nửa) nên nhạt và ít caffein hơn sencha, dễ uống đối với người già và trẻ em. Ngoài ra, gạo rang đem lại hương thơm đặc trưng cho genmai-cha. Uống một ngụm Genmaicha, bạn có thể cảm nhận được hương thơm đặc trưng của gạo rang giống như vị cốm vậy.
3. Trà sao Nhật Bản: Hoji-cha
Houjicha còn được gọi là trà rang, như sencha, bancha, kukicha, xuất hiện ở Kyoto từ những năm 1920. Houjicha có màu nâu và hương vị nồng nàn đặc trưng, giống như trà đen, nhưng Houjicha không trải qua quá trình lên men như trà đen.
Lá trà sau khi sơ chế được rang ở nhiệt độ trên 200 độ C. Trà được đưa vào máy sao đến khi thơm và sau đó được làm lạnh ngay, giúp giảm lượng caffein trong lá trà. Vì có lượng caffein thấp nên Houjicha rất ít đắng và uống nhiều không gây mất ngủ. Một ly Houjicha có nâu đỏ, vị thanh nhẹ, rất được trẻ em và người cao tuổi tại Nhật Bản ưa chuộng.
Houjicha thường được dùng kèm với sữa, đem lại cảm giác êm ái dễ chịu. Người ta cũng nghiền Houjicha thành dạng bột mịn để dễ pha chế.
4. Trà cành: Kuki-cha
Trà cành là trà được làm từ cành của các chồi non. Đặc điểm của kuki-cha là có mùi hương nhẹ đặc biệt và vị ngọt. “Kuki” trong tiếng Nhật nghĩa là “thân” hay “cành”.
5. Trà búp: Mecha
Mecha là trà búp non chọn trong quá trình chế biến các loại trà cao cấp nên có vị ngọt và vị đậm.
6. Trà cuốn Nhật Bản: Tama-ryokucha
Là loại trà mà không có công đoạn chuốt thẳng mà chỉ cho vào lò sấy quay và sấy khô bằng gió nhiệt nên không thẳng mà cuốn tròn.
7. Trà Gyokuro
Cái tên Gyokuro dịch ra là Ngọc Sương. Đây là một trong những loại trà cao cấp và đắt tiền nhất của Nhật, có nguồn gốc từ giống trà Asahi, Okumidori, Yamakai và Saemidori Trà Gyokuro rất giống Sencha, chỉ khác là lá trà Gyokuro được che phủ bằng lưới đen trước khi thu hoạch 20 ngày. Công đoạn cách ly ánh sáng này giúp tăng hàm lượng một số số dưỡng chất trong lá trà, đặc biệt là L-theanine.
Trà Gyokuro có màu xanh đậm hơn Sencha, vị trà ít chát. Cách pha loại trà này cũng có chút khác biệt so với các loại trà khác. Người Nhật thường dùng nước ấm chỉ khoảng 50 – 60 độ C, tránh dùng nước nóng hơn vì như vậy sẽ làm tăng vị đắng, mất vị ngọt thanh.
Có thể thấy, trà không chỉ đơn giản là loại thức uống làm người ta yêu thích bởi vị thanh nhã, mà còn là một phần quan trọng của văn hóa ẩm thực xứ sở hoa anh đào. Hi vọng, sau khi khám phá bí mật các loại trà người Nhật Bản ưa dùng sẽ giúp cho bạn đọc thêm phần hiểu biết cũng như tình yêu dành cho con người và vùng đất nơi đây.