Nhật Bản được xem là quốc gia có chi phí khá đắt đỏ, thế nhưng không phải vì thế mà bạn bỏ qua các cơ hội mua sắm tại đây. Đặc biệt với Bí quyết mua sắm thẳng tay không lo về giá tại Nhật Bản.
Không phụ thuộc vào thành phố hay địa điểm nào bạn lựa chọn mua sắm ở Nhật Bản, mà điều quan trọng là thời điểm mua sắm.
Hiện ở Nhật Bản có 2 mùa giảm giá lớn nhất là đợt hè và đông. Trong dịp này, các cửa hàng đưa ra các mức giá hấp dẫn để lôi kéo người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn và trong những món hàng giảm giá bạn sẽ vẫn tìm thấy những món đồ thời trang hợp xu hướng và tha hồ diện chúng ngay.
Vào ngày đầu tiên của đợt sale, các mặt hàng sẽ còn nhiều hơn từ kích cỡ cho đến màu sắc, đó chính là lý do vì sao mọi người thường xếp hàng trước các cửa hàng hay trung tâm thương mại để chờ là người được mua sắm đầu tiên, cũng là người được lựa chọn đầu tiên. Một số nơi sẽ hạn chế lượng người hay đưa ra những điều kiện để có thể được mua trước.
Nếu bạn không có thời gian xếp hàng hay không có đủ điều kiện trong top đầu thì cũng đừng quá buồn, vì mua sắm vào những ngày cuối của mùa sale cũng lại là một món hời khác. Lúc này, các mặt hàng còn lại sẽ tiếp tục được đẩy giảm giá mạnh hơn, như vậy đồng nghĩa với việc giá cả sẽ càng hấp dẫn hơn. Tất nhiên hạn chế sẽ là bạn không còn nhiều lựa chọn như khi mua sắm vào đầu mùa giảm giá.
Các cửa hàng thường có 3 giai đoạn giảm giá khác nhau và mức giảm giá tăng dần để thu hút khách hàng. Giai đoạn cuối cùng các mặt hàng rẻ nhất cũng là lúc thu hút lượng khách đông đảo nhất.
Mùa giảm giá hè: Từ đầu tháng 7 tới đầu tháng 8
Các thương hiệu lớn thường bắt đầu mùa giảm giá mạnh đợt hè trong khoảng thời gian 1 tháng, chủ yếu là vào tháng 7. Mức giảm giá dao động từ 10%-80%. Tỷ lệ này sẽ có xu hướng càng ngày càng cao hơn ở cuối mùa.
Mùa giảm giá đông cũng vào đúng dịp năm mới: Trong suốt tháng 1
Nếu chuyến du lịch Nhật Bản có phần mua sắm được ưu tiên hàng đầu thì bạn nên lựa chọn tới đây vào đúng thời điểm tháng 1 cũng là dịp năm mới. Bên cạnh các mặt hàng thời trang thì các sản phẩm điện gia dụng hay các hàng hóa khác cũng được giảm giá khá sâu.
Đặc biệt, ngày 1/1 là ngày của Fukubukuro. Fukubukuro là túi quà may mắn đầu năm của người Nhật, trong đó chứa nhiều vật phẩm có giá trị lớn hơn so với những gì bạn phải trả. Tuy nhiên điểm hạn chế là bạn sẽ không được biết trước trong túi có những gì. Có rất nhiều loại Fukubukuro với các vật phẩm đa dạng, từ thực phẩm, rượu, mỹ phẩm, đồ điện tử… Nhiều người thường xếp hàng tại các thương hiệu yêu thích của mình để có thể lấy được những chiếc túi Fukubukuro.
Đợt giảm giá mùa đông của các thương hiệu thường bắt đầu từ ngày 2/1 và 3/1, tuy nhiên tại một số cửa hàng thậm chí còn bắt đầu từ ngày mùng 1/1.
Các dịp khác
Mặc dù các chương trình giảm giá không lớn như đợt giảm mùa đông và mùa hè, nhưng những ngày đặc biệt như: Tuần lễ Vàng vào tháng 5 hoặc dịp Halloween vào cuối tháng 10 cũng là những thời điểm mua sắm lý tưởng. Một thời điểm khác là giải vô địch bóng chày Nhật Bản diễn ra hàng năm. Nhà tài trợ của đội thắng cuộc thường có doanh thu khổng lồ tại các cửa hàng của họ trên khắp đất nước.
Lưu ý khi mua hàng trong mùa giảm giá:
Khoảng thời gian từ tháng 12 đến đầu tháng 1, nhiều cửa hàng thường có giờ làm việc ngắn hơn thời gian thông thường hoặc đóng cửa hoàn toàn cho đến khi bắt đầu đợt bán hàng lớn trong năm mới.
Rất nhiều sản phẩm sẽ không được đổi trả khi đã áp dụng giảm giá.
Thậm chí, có nhiều cửa hàng áp dụng chính sách khách không được thử đồ đối với các mặt hàng giảm giá.
Gợi ý các điểm mua sắm hấp dẫn ở Tokyo
1. Shinjuk – Nơi bạn có thể tìm mua mọi thứ
Đây là khu mua sắm sầm uất tại Tokyo. Tại đây có các cửa hàng bách hóa khổng lồ như Isetan, Takashimaya, hay Lumine. Tại đây bạn có thể tìm thấy nhiều mặt hàng, từ quần áo cho tới các vật dụng khác… của nhiều thương hiệu từ bình dân tới cao cấp.
Một số địa chỉ nên ghé thăm tại đây:
• Isetan Shinjuku: 3-14-1, Shinjuku, Shinjuku-ku, Tokyo.
• Takashimaya Dept. Shinjuku: 5-24-2, Sendagaya, Shibuya-ku, Tokyo.
• Lumine Shinjuku: 1-1-5, Nishishinjuku, Shinjuku-ku, Tokyo.
2. Shibuya, Harajuku và Omotesando – Các khu phố thời trang ấn tượng
Shibuya là trung tâm mua sắm, khu vui chơi hoạt động dành cho giới trẻ lớn nhất Nhật Bản. Khu vực này không bao giờ tắt đèn và luôn náo nhiệt trong suốt 24 giờ. Được mệnh danh là trung tâm thời trang và văn hóa dành cho thanh niên, ở đây bạn có thể tìm thấy những xu hướng mới nhất về thời trang, giải trí của Nhật Bản.
Harajuku được coi là địa điểm tập trung những bạn trẻ Nhật có cá tính mạnh mẽ, khác biệt về thời trang. Điểm nổi bật ở Harajuku là những cửa hàng thời trang xuất hiện trên khắp con phố kết hợp cùng những cửa hàng, nơi bán thức ăn nhanh phù hợp với thị hiếu teen.
Omotesando là nơi bạn có thể tìm thấy những sản phẩm nước ngoài nổi tiếng, như hệ thống cửa hàng Louis Vuitton gồm 5 tầng và rất nhiều thương hiệu khác nữa.
Một số địa chỉ nên ghé thăm tại đây:
• Shibuya109: 2-29-1, Dogenzaka, Shibuya-ku, Tokyo.
• Shibuya Hikarie: 2-21-1, Shibuya, Shibuya-ku, Tokyo,
• Laforet Harajuku:v1-11-6, Jinguumae, Shibuya-ku, Tokyo.
3. Ginza – Khu mua sắm thời thượng bậc nhất Tokyo
Khu Ginza là một khu phố mua sắm thời thượng, sang trọng bậc nhất Tokyo. Tại đây bạn có thể tìm thấy đủ mọi sản phẩm từ các thương hiệu xa xỉ nhất. Các trung tâm thương mại nổi tiếng như Mitsukoshi, Matsuya, và Hankyu Men’s Tokyo bán các thương hiệu cao cấp nổi tiếng thế giới như Chanel và Prada. Bên cạnh đó, Dover Street Market và Issey Miyake là hai ví dụ điển hình cho vô vàn cửa hàng thiết kế nằm trên con phố xinh đẹp Ginza.
Ngay gần Ginza, khu vực quanh trạm Yurakucho là các thương hiệu bình dân hơn như Uniqlo và Muji x Loft… Bạn có thể dạo qua khu vực sang trọng Ginza, sau đó di chuyển tới đây để mua những món hàng vừa túi tiền hơn.
Một số địa chỉ nên ghé thăm tại đây:
• Mitsukoshi Ginza: 4-6-16, Ginza, Chuo-ku, Tokyo.
• Matsuya Ginza: 3-6-1, Ginza, Chuo-ku, Tokyo.
• Uniqlo – Ginza: hội trường phía đông ginzakomatsu, tầng 1 và 2, 6-9-5, Ginza, Chuo-ku, Tokyo.
Theo kinh nghiệm mua sắm tại Nhật Bản, hầu hết mua hàng ở đây phần lớn phải chịu thuế tiêu thụ 5%; trong khi đó, mùa giảm giá hàng nhiều nhất là mùa hè (tháng 7, tháng 8) và mùa Tết (tháng 12, tháng Giêng). Tất nhiên, nếu có cơ hội du lịch Nhật Bản, đừng bỏ qua những trung tâm mua sắm và đặc biệt Bí quyết mua sắm thẳng tay không lo về giá tại Nhật Bản bạn nhé.