Càng khó khăn, con người càng buộc phải cố gắng và điều đó được Nhật Bản minh chứng khá rõ ràng. Nơi đây không chỉ khiến quốc tế ngưỡng mộ vì thành tựu khoa học kỹ thuật mà còn là nơi được Skytrax bình chọn là một trong những sân bay an toàn nhất TG.
Không chỉ nghèo nàn về tài nguyên, Nhật Bản còn thường xuyên phải chịu đựng sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Tuy nhiên như một điều tất yếu, càng khó khăn, con người sẽ càng buộc phải cố gắng và sáng tạo để thoát ra, hay chí ít, có đủ khả năng để đương đầu với chúng. Sân bay quốc tế trên biển Kansai chính là minh chứng hùng hồn nhất cho những nỗ lực vượt khó, khát vọng vươn lên và sáng tạo của họ.
Sân bay Kansai (với tên giao dịch quốc tế là KIX) lần đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 1994, mỗi năm tiếp đón gần 150.000 chuyến bay quốc tế. Sân bay được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ý, Renzo Piano (cũng là người đã thiết kế nên trung tâm Pompidou ở Pháp, người đã được giới thiệu ở bài viết “Liên hệ giữa kiến trúc và kết cấu trong thiết kế”) và được chính phủ Nhật Bản xây dựng trên hòn đảo nhân tạo ngoài khơi Vịnh Osaka, có chiều dài 4km và chiều rộng 2,5km, với một đất nước nghèo nàn về tài nguyên nhưng lại sở hữu trình độ kỹ thuật rất cao như Nhật Bản, đây thật sự là một cuộc cách mạng.
Theo nghiên cứu của Skytrax – hãng tư vấn dịch vụ hàng không nổi tiếng thế giới có trụ sở tại Anh (dựa trên đánh giá của 13 triệu người sử dụng và 550 sân bay ở 112 quốc gia) đã bình chọn Sân bay quốc tế Kansai Nhật Bản là một trong những sân bay an toàn nhất thế giới khi chưa từng để xảy ra bất kỳ một vụ thất lạc hành lý nào trong suốt hơn 20 năm hoạt động.
Theo lời của Peter Mille – Giám đốc marketing của Skytrax nói với Telegraph Travel: “Giải thưởng về sự an toàn hành lý được dựa trên các tiêu chí đánh giá khác nhau, trọng tâm cốt lõi nhất nằm ở tính chính xác, an toàn của hàng hóa khi tới tay người nhận, dịch vụ hỗ trợ khách hàng và thông tin về hành lý. Điều quyết định đến thành công của sân bay Kansai chính là sự kỷ luật và tính khoa học trong công việc của các nhân viên trong tất cả các khâu”.
Đạt những tiêu chuẩn trung thực cao đến như thế nhưng đây mới chỉ là cảng hàng không thứ 2 của Nhật Bản thôi. Trong khi đó, các sân bay còn lại của đất nước mặt trời mọc cũng có thứ hạng khá cao trong bảng xếp hạng này, chẳng hạn như: Haneda Tokyo đứng thứ 6, Narita cũng nằm trong top 10.
Sở dĩ đạt được sự an toàn, chính xác tuyệt đối cho hành lý, lãnh đạo sân bay đã thực thi nghiêm ngặt các yêu cầu về việc quản lý, ngay từ khâu tiếp nhận các kiện đồ từ tay hành khách. Các kiện hành lý đều được sắp xếp ngay ngắn theo thứ tự, tay cầm xoay ra ngoài để tiện cho khách lấy đồ khỏi băng chuyền. Tuy chỉ là chi tiết nhỏ nhưng họ đã rất tỉ mỉ nhằm đem đến sự hài lòng cho khách hàng của mình.
Nếu như ở sân bay Việt Nam, đồ đạc sẽ bị vứt không thương tiếc hay rạch cho cạn những món đồ có giá trị, thì với sân bay Kansai, nhằm hạn chế sự thất lạc của hành lý, tất cả các kiện đều sẽ được gắn chip. Mỗi khi đồ rơi khỏi băng chuyền, nó sẽ lập tức phát ra tiếng kêu báo động để các nhân viên bắt đầu công tác tìm kiếm ngay lập tức, tiết kiệm thời gian và công sức hơn rất nhiều so với việc để thất lạc một thời gian dài rồi mới tiến hành rà soát.
Thế mới thấy Nhật Bản xinh đẹp và đáng để đến 1 lần trong đời thế nào; ngoài phong cảnh đẹp, ẩm thực cực kì đa dạng, bổ dưỡng thì sự thật thà của người Nhật Bản cũng dẫn đến một cảnh tượng thú vị. Nếu như sân bay Kansai được xem là nơi chưa bao giờ làm thất lạc đồ của hành khách thì tại các quán bar du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhiều người để tiền bạc và các đồ vật có giá trị tại ghế ngồi để lấy đồ uống ở nơi khác, mà chẳng lo chúng bị đánh cắp hay thất lạc. Chính đức tính trung thực và biết nghĩ cho người khác này đã khiến người Nhật trở thành một trong những dân tộc được kính trọng và yêu quý trên khắp thế giới.