Chỉ với cánh đồng lúa người nông dân có thể tạo nên bức tranh nghệ thuật Tanbo và thật ngạc nhiên, chỉ với những cọng rơm sau thu hoạch lại lần nữa khiến du khách ngạc nhiên khi chúng được “hóa thân” thành những quái vật sống động trong lễ hội rơm.
Ami Goda được biết đến là người bắt đầu thực hiện ý tưởng tạo hình tượng rơm nghệ thuật, tuy nhiên sau khi những hình ảnh trên được lan tỏa ở Internet đã khiến cho sự kiện này trở thành cuộc triển lãm thường niên.
Và cứ vào khoảng cuối tháng 8 đến tháng 11, khi lúa được thu hoạch các sinh viên chuyên ngành kiến trúc và nghệ thuật đã cùng với người dân địa phương vùng Niigata, Nhật Bản lại tận dụng những đụn rơm thừa để tạo nên những tác phẩm vô cùng độc đáo.
Để tạo những bức tượng này, các nghệ sĩ phải dựng một khung định hình bằng gỗ rồi phủ từng lớp rơm bên trên. Mặc dù tất cả hình nộm được làm bằng rơm nhưng chúng thật sự rất sống động, rất có hồn, khiến người xem choáng ngợp với những người đã vất vả tạo dựng ra những mô hình này.
Khởi đầu từ ý tưởng làm cho vui và dần dà chúng trở thành một văn hóa và cứ năm nào được bội thu người dân lại tổ chức những lễ hội để bày tỏ lòng cám ơn của mình đối với thiên nhiên đã ưu ái, tạo điều kiện cho vụ mùa diễn ra thuận lợi.
Cũng với ý tưởng này, ở phía Bắc Nhật Bản, đoàn liên hoan nghệ thuật Wara đã sáng tạo ra ý tưởng lấy rơm rạ dư thừa tạo ra những con vật khổng lồ như một cách đánh dấu mùa màng bội thu năm nay.
Được biết, đoàn liên hoan nghệ thuật Wara lần đầu tiên tổ chức tại thành phố Niigata từ năm 2008 và để không phải lãng phí từng cọng rơm, mỗi sinh viên của trường đại học Musashino đã cùng nhau xây dựng ý tưởng biến rơm thành những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc khổng lồ. Kể từ bây giờ, cánh đồng này sẽ trở thành một điểm tham quan du lịch mới mẻ, độc đáo thu hút du khách hằng năm mỗi khi tới mùa thu hoạch.
Nếu như ở VN, rơm rạ được tận dụng cho nhiều thứ như: làm đệm lót ổ gà, trứng, trái cây hoặc thậm chí được dùng để đun nấu…; thì tại Nhật Bản, ngoài nghệ thuật tạo hình trên, đã từ lâu rơm đã được sử dụng tái chế thành nhiều hàng hóa khác nhau, đặc biệt phải kể đến là chiếu truyền thống lâu đời Tatami.
Cùng với nghệ thuật rơm, người dân Nhật Bản còn biến chúng thành lễ hội được tổ chức tại thường niên tại công viên Uwasekigata thuộc thành phố Nigata trong suốt nhiều năm qua. Không giống như lễ hội náo nhiệt khác, lễ hội nghệ thuật rơm có điểm đặc biệt là bởi các tác phẩm đều được chia thành những khu khác nhau trên cánh đồng rộng mênh mông nên du khách có thể tha hồ ngắm nhìn mà không cần chen chúc.
Ngoài ra còn có nhiều hoạt động thú vị khác như: chương trình trò chơi, các tiết mục nhạc dân gian, gian hàng bày bán đồ thủ công mỹ nghệ từ rơm và cả sản vật của địa phương. Khách tham quan vừa thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật vừa có thể tham gia các hoạt động khác của lễ hội.
Với sự khéo léo và sáng tạo không ngừng, nghệ thuật rơm giờ đây chắc hẳn không còn là cụm từ xa lạ trên thế giới, đặc biệt với những ai đã từng đến với xứ sở hoa Anh Đào. Vì thế nếu có dịp tham gia khám phá đất nước Nhật Bản hãy cùng người thân tận hưởng một chuyến đi thật thú vị với lễ hội rơm tại Uwasekigata thuộc thành phố Nigata bạn nhé.