Nhắc đến già hóa dân số người ta nghĩ ngay đến Nhật Bản, quốc gia đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số lớn nhất trên thế giới. Để minh chứng cho điều này mời bạn đọc đến với ngôi làng Nagoro: ngôi làng chỉ toàn bù nhìn ở Shikoku.
Nagoro là một ngôi làng hẻo lánh, dân cư thưa thớt trong thung lũng Shikoku, Nhật Bản. Với dân số hiện tại khoảng 37 người, Nagoro gần như trở thành một vùng đất bị bỏ hoang.
Nagoro là một ngôi làng nhỏ nằm sâu trong thung lũng Shikoku Nhật Bản vốn đông dân cư và nhiều công ty nhà máy. Tuy nhiên theo năm tháng, người dân trong làng dần qua đời hoặc rời làng đi kiếm việc làm tại các thành phố lớn.
Nguyên nhân của điều này phần vì nhiều người dân đã bỏ quê hương tìm việc làm ở nơi khác, người ở lại cũng đã già yếu hoặc sắp qua đời.
Nhưng Ayano Tsukimi – một cư dân 64 tuổi của ngôi làng đã đem lại sức sống mới cho ngôi làng, dù sức sống ấy có phần… kinh dị.
Bà Ayano Tsukimi đã tạo ra hàng trăm búp bê bằng rơm để nhằm “cải tạo” lại quê hương. Mỗi búp bê rơm được coi là linh hồn để đại diện cho những người xưa đã từng sống nơi đây.
Tsukimi chia sẻ rằng, 11 năm về trước bà rời Osaka trở về quê hương cũ sinh sống. Bà tâm sự: “Khi tôi còn là một đứa trẻ, cư dân ở ngôi làng lên tới hàng trăm người, trong làng cũng có một con đập khá lớn”. Nhưng vào thời điểm khi bà quay trở lại cách đây hơn 10 năm, Nagoro dường như đã gần biến mất khỏi nền văn minh. Ngôi làng giờ đây trở nên hoang vắng, buồn bã, ảm đạm đến cô quạnh.
Vì quá nhớ cha nên ban đầu, bà chỉ định làm một con búp bê giống cha mình, sau đó, bà đã nghĩ ra ý tưởng làm búp bê mô phỏng tất cả những người từng sống trong làng.
Từ đây, Tsukimi bắt đầu thực hiện ý tưởng tái sinh lại ngôi làng của mình. Bà tự tay làm búp bê rơm nhằm mô tả lại những người hàng xóm thân thuộc hay người con của làng Nagoro.
Búp bê rơm được bà Tsukimi làm một cách ngẫu nhiên khi công việc trồng trọt của Tsukimi ở quê hương không mấy thuận lợi nhưng sau đó, công việc này trở thành niềm đam mê của bà.
Hình ảnh những con búp bê đang làm việc đồng áng
Cho tới nay, làng Nagoro đã trở thành nơi sinh sống của khoảng 350 búp bê rơm khác nhau. Những búp bê được bà Tsukimi sắp xếp ở khắp mọi nơi, từ trong trường cho tới ngoài vườn hay tụ tập trước cửa hiên nhà…
Chất liệu được bà Tsukimi dùng làm búp bê gồm rơm, vải, quần áo cũ, bề ngoài trông giống những bù nhìn rơm trên các đồng ruộng.
Bà từng tâm sự về cách thức làm ra những chú búp bê rơm của mình: “Phần khó nhất khi làm một búp bê rơm đó chính là thể hiện được khuôn mặt và cảm xúc của búp bê. Trong đó, đôi môi là bộ phận khó làm nhất. Chỉ cần một đường khâu nhỏ cũng có thể chuyển một búp bê với khuôn mặt cười thành vẻ mặt giận dữ”.
Mặc dù mục đích hành động của Tsukimi là cao cả và giàu ý nghĩa nhân văn, song những con búp bê rơm có mặt ở khắp mọi nơi đôi khi cũng gây ra sự đáng sợ nhất định, đặc biệt là trong đêm tối.
Tsukimi bộc bạch, “Có khá nhiều khách du lịch tới thăm làng Nagoro vì hiếu kỳ và muốn chiêm ngưỡng những tác phẩm của tôi. Tôi nghĩ mọi người sẽ thích thú và muốn chụp ảnh kỷ niệm nên tôi đặt khá nhiều búp bê ở phía lối vào của ngôi làng. Song dường như, không mấy người ưa thích những búp bê đó”.
Ấn tượng trước công trình nghệ thuật độc đáo của Tsukimi, đạo diễn Fritz Schumann đã thực hiện một bộ phim tài liệu có tên “Valley of Dolls” (tạm dịch: Thung lũng búp bê) ghi lại cuộc sống ở ngôi làng Nagoro cũng như cuộc trò chuyện cùng nữ chủ nhân của những búp bê rơm này.
Hiện không khí nhộn nhịp của Tết Nguyên đán và cũng là mùa du lịch đang đến gần, hãy cùng trải nghiệm cảm giác du lịch rùng rợn và thêm vào lịch trình của mình với địa điểm Nagoro: ngôi làng chỉ toàn bù nhìn ở Shikoku, Nhật Bản nhé.