Khác với hình ảnh ni sư tại VN, khi thăm viếng đền chùa tại Nhật, bạn sẽ thấp thoáng thấy hình ảnh của các cô gái trẻ cùng bộ kimono trắng, buộc tóc… Họ là ai? Tất cả sẽ được giải đáp trong sự thật ít biết về các thiếu nữ tế thần trong các ngôi đền Nhật Bản.
Bất kỳ du khách nào khi du lịch và đến các đền thờ Shinto (Thần đạo) ở xứ sở mặt trời mọc sẽ đều thấy bóng dáng của một cô gái trẻ, mặc hakama đỏ (quần ống rộng) hoặc váy đỏ, áo kimono trắng (hoặc áo khoác) và buộc tóc… Thế bạn có thắc mắc họ là ai hay chỉ đơn thuần là 1 người dân địa phương, khách hành hương? Không đơn giản như thế, thực ra họ được gọi là Miko, “trinh nữ tế thần”‘, “thiếu nữ tế thuần”, Vu nữ, nhà tiên tri, ni cô hay tu sĩ…, tuy nhiên Miko không có quyền thế như một tu sĩ hiện thời, cho dù họ có thể phụng sự như một tu sĩ lâu năm.
Theo lịch sử cổ đại của Nhật, Miko chính là những người chuyên truyền đạt những sấm truyền, nhưng ngày nay người ta có thể hiểu đơn giản Miko là những nữ nhân trông nom tại các ngôi đền thờ Shinto – một tôn giáo ở Nhật, với hơn 4 triệu tín đồ, tương đương với các nữ ma sơ trong nhà thờ Thiên chúa giáo hay các ni cô ta thường gặp tại các ngôi chùa Phật Giáo.
Mikco thường là con gái của pháp sư quản lý ngôi đền, với vai trò là biểu diễn những điệu múa mang tính nghi lễ và hỗ trợ pháp sư trong nhiều buổi lễ, đặc biệt là trong lễ cưới. Truyền thống này vẫn tiếp tục đến ngày nay và Miko xuất hiện nhiều hơn ở các ngôi đền Shinto. Vào thời đại ngày nay phần lớn Miko được thuê làm bán thời gian hoặc là những người tình nguyện. Nhiệm vụ của họ là hỗ trợ các phận sự của đền, biểu diễn điệu múa nghi lễ, phân phát Omikuji (một dạng đoán số) và phục vụ trong các cửa hiệu của đền. Muốn trở thành Miko, theo quy định truyền thống thì các cô gái bắt buộc phải là trinh nữ; mặc dù vậy, nếu muốn lấy chồng các cô gái phải từ nhiệm để theo chồng và gia đình mới. Tuy nhiên, quy luật này hiện nay đã gần như bị bãi bỏ, mặc dù đa số vẫn rời khỏi đền hoặc huấn luyện cho chức thầy tu sau khi cưới.
Đối với trang phục của các Miko cũng có quy định khá chặt chẽ, bao gồm Hakama và một áo Kimono.
Hakama mà các Miko mặc thường có màu đỏ, đây là một loại trang phục truyền thống bao phủ phần dưới cơ thể tương tự như một chiếc váy rộng được xếp nếp cẩn thận. Hakama được mặc từ phần hông cho tới khoảng mắt cá chân, còn kimono có cánh tay dài, rộng và luôn là màu trắng – biểu tượng của sự tinh khiết và trong trắng. Trong bộ trang phục của các Miko thì Hakama được mặc qua kimono, có bốn sợi dây đai, sợi dài nhất được đeo một trong hai bên phía trước y phục và sợi ngắn nhất được đeo ở phía bên kia đằng sau y phục. Phía sau bộ y phục có một tấm ván cứng như một mặt cắt và một cái nút gỗ được gấp vào phía trong obi để giữ cho Hakama ở đúng vị trí.
Thường thì ở Nhật, người ta chia Miko thành 2 loại: Miko cao cấp – cho người chuyên biểu diễn trong các lễ tế thần hoặc những lễ hội đặc biệt. Loại 2 là Miko thường dân – chỉ những người mới vào nghề và làm những việc vặt vãnh như phục vụ tại các cửa hiệu của đền. Vì lý do tôn giáo nên hiện nay tuổi đời hạn chế để trở thành Miko thường là 25 tuổi và có thể kéo dài thời gian phục vụ trong các ngôi đền Shinto khoảng 3 năm mà thôi.
Các Vu nữ đang thực hiện điệu múa truyền thống miko-mai
Có ba loại Vu nữ:
+ Đầu tiên là các nhân vật coi sóc đền thờ.
+ Loại thứ hai là những miko thời vụ, họ là các sinh viên đại học, thường đến làm việc trong một thời gian ngắn (thường là vào các mùa lễ hội, năm mới, khi đó đền thờ đông khách). Họ được đào tạo bài bản nhưng không tham dự các nghi lễ.
+ Loại thứ ba là những cô gái còn rất trẻ, thường là các bé gái đang học tiểu học. Nhiệm vụ của các bé là thực hiện điệu miko-mai tại các ngôi đền hàng năm. Thông thường, mỗi năm sẽ có một bé gái được lựa chọn.
Hiện nay, ngoài nhiệm vụ cai quản và chăm sóc các ngôi đền, các Miko còn thường xuyên phải biểu diễn các điệu múa thiêng liêng tại các đền thờ đạo Shinto khi có dịp lễ đặc biệt như cưới xin hoặc ma chay, ra quẻ bói, lên đồng… Nếu may mắn, bạn có thể chứng kiến cảnh họ nhảy múa các điệu truyền thống gọi là miko-mai.
Nếu là người yêu văn hóa và những bộ truyện tranh của Nhật Bản thì hẳn bạn sẽ không xa lạ gì với các nhân vật Miko – người thường mang theo năng lực siêu nhiên như thủy thủ sao Hỏa – Rei Hino, với biệt tài sử dụng bùa chú và tiên tri trong bộ truyện tranh Sailor Moon nổi tiếng.
Đó là những sự thật ít biết về các thiếu nữ tế thần trong các ngôi đền Nhật Bản và có thể thấy, sự hiện diện của Miko tại các ngôi đền không chỉ làm cho không khí trang nghiêm thêm sinh động, mà đó còn là 1 nét thu hút độc đáo dành cho các du khách nước ngoài.