Nếu như trẻ em bị thu hút bởi nền công nghiệp manga Nhật Bản thì người lớn lại thích thú với nền ẩm thực nơi đây. Và sự say mê ấy đã được kết hợp, lồng ghép khôn khéo để tạo nên những món ăn Nhật Bản ngon “nhức nhối” từ truyện manga đến đời thực.
Trong khi với đại đa số các nền văn hóa ẩm thực khác thì gia vị chính là một trong các yếu tố quyết định đến hương vị, thì cách nấu nướng của người Nhật hầu như không sử dụng đến gia vị. Họ có một quan niệm thiên về sự tự nhiên và coi trọng những hương vị nguyên bản, tinh khiết.
Vì vậy, quốc gia này còn có một lịch sử lâu đời về nghệ thuật trình bày món ăn. Người Nhật Bản dồn rất nhiều công phu vào việc bày biện trang trí sao cho thật cầu kỳ, đẹp mắt để bù lại sự giản dị về mặt hương vị. Sở dĩ, phim hoạt hình ẩm thực của Nhật dễ dàng phát triển hơn tại các quốc gia khá vì đơn giản đối với người Nhật, đôi khi “ăn bằng mắt” cũng đủ thấy no rồi.
Cũng giống như Trung Quốc họ thường lồng ghép lịch sử, văn hóa vào trong hầu hết các bộ phim thì với Nhật Bản họ kết hợp món ăn vào truyện tranh vào nhau và quảng bá trên toàn thế giới qua các tác phẩm anime/manga.
Khi nhắc đến Doraemon hay Conan, chắc bạn sẽ có cảm giác như cả thời thơ ấu đang ùa về phải không? Hai bộ truyện của tuổi thơ, hai bộ truyện mang đậm bản sắc văn hóa Nhật Bản. Không chỉ có cốt truyện đầy thu hút và vui nhộn, thế giới của chúng còn phản ánh cả một nền văn hóa ẩm thực Nhật Bản đầy màu sắc đã từng khiến cho không biết bao nhiêu đứa trẻ phải thèm nhỏ dãi.
Với tôi là như thế còn với bạn thì sao? Hãy cùng Chudu Travel khám phá và hồi tưởng lại những kí ức tuổi thơ nhé.
Nagashi Somen – Mì “Trượt” Ống Tre trong Doraemon
Người Nhật có rất nhiều loại mì: soba, udon, ramen, mì lạnh somen… Mỗi loại được chế biến và thưởng thức theo nhiều cách khác nhau, trong đó có một cách thưởng thức rất độc đáo mà ngày nay đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Nhật đó chính là mì nagashi somen (流しそうめん). Nagashi trong tiếng Nhật có nghĩa là dòng chảy.
Mì Nagashi Somen là một món ăn được người dân Nhật cực kỳ yêu thích. Không chỉ bởi vị ngon đặc biệt mà còn nằm ở cách thưởng cầu kỳ đầy kịch tính. Đầu tiên, người ta sẽ dùng ống tre để tạo thành một hệ thống “bắc cầu” thật dài. Tiếp đó, người phục vụ sẽ thả từng vắt mì Somen – vốn là loại có sợi cực mảnh chảy trôi theo dòng nước mát lạnh. Chúng ta chỉ cần đứng dọc theo đường ống tre và phô diễn tài nghệ dùng đũa để vớt ra.
Sợi mì mát lạnh, được chấm ngay vào một chén nước chấm . Phải chăng, chính cái cảm giác sảng khoái lan tỏa từ đầu lưỡi đến khắp châu thân ấy đã biến Nagashi Somen trở thành một món ăn hot nhất mùa hè ở xứ Hoa Anh Đào?
Ngoài cái thú của việc cảm nhận những sợi mì trơn tuột, mát lạnh cùng nước chấm Tsuyu thơm nồng được pha chung giữa nước tương và nước đá lạnh là cuộc chiếc “phô bày” khả năng khéo léo trong việc dùng đũa vớt mì đang trôi trong dòng nước cùng những loại rau củ được thả trôi. Trong cách thưởng thức này, bạn sẽ được khuyên vớt càng nhều mì càng tốt, càng tiết kiệm vì khi xuống tới cuối ống, mì sẽ không được dùng lại.
Nướng Nấm Matsutake với Nobita
Có lẽ sẽ có không ít các độc giả của Doraemon từng bị ấn tượng mạnh khi chú mèo máy rút từ trong túi ra một hòn non bộ mini, trên mảnh đất nhỏ thần kỳ ấy là cả một đồi thông đầy rẫy nấm Matsutake tươi rói, mập mạp, no tròn, ngon mắt.
Matsutake là một trong những món ăn được liệt vào hàng quý tộc ở Nhật. Sở hữu một mùi vị thơm ngon lạ lùng và hàm lượng dinh dưỡng đáng kinh ngạc. Thế nhưng, chúng ta lại chẳng thể nào tự nhân giống được chúng bởi điều kiện sinh tồn quá khắt khe.
Duy nhất khi mùa thu đến, tại những vùng đất mỏng, nơi những cây thông đỏ quý hiếm phải thật khó khăn lắm mới có thể sinh thưởng thì ở dưới rễ cây, Matsutake âm thầm xuất hiện. Nếu như đất quá tệ khiến cây không thể sống hay quá tốt làm cây sinh trưởng mạnh khỏe thì nấm không thèm mọc lên đâu nhé.
Để thưởng thức trọn vẹn “hương vị mùa thu Nhật Bản” này, những cây nấm tươi sau khi vừa hái sẽ được lau sạch bằng rượu sake rồi tách ra làm đôi và đặt lên giàn nướng than hoa. Hương vị thuần khiết của đất trời, vị ngọt, vị thanh sẽ trở thành một thứ mùi lan tỏa mạnh mẽ trong khiến ai cũng “thèm phát ngất” khi ngửi thấy. Chấm cùng với muối tinh hoặc nước tương thì không còn từ nào để tả được. Thế mới nói, phải cực phẩm như thế nào thì mới khiến người ta chịu bỏ ra 1.000 USD/pound (tương đương 38trd/kg) để thưởng thức chứ.
Nồi Lẩu Nabe – Xuất hiện trong bộ truyện Doraemon
Các bạn có thể đã từng nghe đến từ “Tướng quân nồi lẩu – Shougun” hay “thẩm phán nồi lẩu – Nabebugyo” chưa? Nồi Lẩu ở Nhật cũng khá giống với chúng ta bởi văn hóa cả nhà quay quần quanh nồi nước dùng nóng hổi rồi thêm vào những món đồ bổ tươi ngon.
Có nhiều loại lẩu khác nhau, nhưng đáng tự hào nhất ắt hẳn là Sukiyaki với nhiều nguyên liệu như thịt bò Rib Eye cùng với nấm tươi bổ dưỡng các loại. Bạn có thể dùng món ăn này theo nhiều cách khác nhau. Nhưng cái vị béo bùi của thịt bò, kết hợp với những lá rau mọng nước và thơm giòn của nấm thì chẳng ai có thể khước từ.
Tất nhiên, các Shougun và Nabegugyo chính là những người quan trọng nhất vì họ sẽ trực tiếp đứng ra hướng dẫn cách bỏ nguyên liệu vào để món ăn chuẩn vị nhất.
Mỳ Ramen – Trong bộ truyện Conan
Là một fan của loạt truyện đình đám Conan, không biết các bạn có nhớ đến một chương truyện nhắc về món Mỳ Ramen ngon chết người, được bán trong một quán ăn “ọp ẹp” sắp tàn không nhỉ? Thú thật khi nhìn thấy món ăn được vẽ bằng mực trắng đen, nhìn thấy các biểu cảm của nhân vật thôi cũng đủ khiến mình mong ước được nếm thử món ăn đó một lần trong đời.
Sợi mì nhỏ xíu, vàng ươm được nâng cấp hương vị với thịt heo thái lát, rong biển khô, trứng gà luộc, ngô và chả cá giòn sần sật. Sự bùm nổ hương vị sẽ khiến mọi mệt mỏi bị đánh tan, chỉ còn lại mỗi nổi niềm vui sướng trong tâm hồn để thưởng thức trọn vẹn món ăn mộc mạc này. Trong phiên bản của Conan, chủ quán đã cho thêm rất nhiều măng vào để tạo thêm vị ngon đặc biệt.
Bánh rán Đôremon
Bánh rán Doreamon (Dorayaki) là một thứ bánh cổ truyền Nhật Bản và hầu như tập nào của truyện Doraemon cũng nhắc đến món ưa thích của Doraemon. Thế điều gì hấp dẫn chú mèo Ú mê mẩn chiếc bánh này đến vậy?
Nó có hình dáng giống như bánh bao, bao gồm 2 lớp vỏ bánh tròn dẹt làm từ bột, phết mật ong, được nướng lên và bao lấy nhân thường làm từ bột nhão đậu đỏ. Ban đầu loại bánh này chỉ có một lớp, hình dạng như ngày nay là do Ueno Usagiya sáng tạo ra vào năm 1914. Trong tiếng Nhật, Dora có nghĩa là cồng, chiêng và tên gọi của loại bánh này có lẽ cũng bởi nó giống với những nhạc cụ này. Truyền thuyết kể rằng một samurai có tên Benkei đã bỏ quên chiếc chiêng (dora) của anh ta khi rời khỏi nhà của một người nông dân, nơi anh ta ẩn náu. Người nông dân sau đó đã dùng chiếc chiêng bị bỏ lại chiên ra những chiếc bánh và từ đó gọi chúng là Dorayaki.
Vậy là chúng ta đã rảo quanh 1 vòng đất nước Nhật Bản thông qua những món ăn Nhật Bản ngon “nhức nhối” từ truyện manga đến đời thực. Vì thế nếu là tín đồ của thế giới truyện tranh thì nhất định phải tìm cho ra và thưởng thức bằng được bạn nhé!