Nhật Bản vốn nổi tiếng với những lễ hội độc đáo và kỳ lạ, ví như “lễ hội rước “của quý” diễn ra vào Chủ nhật đầu tiên của tháng 4 và hôm nay Chudu lại tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc về ngôi đền Karube – nơi bầu ngực phụ nữ là biểu tượng được tôn thờ ở Nhật.
Mỗi quốc gia trên thế giới có những lễ hội đặc sắc riêng, có lẽ là lễ hội tình yêu như Ngưu lang Chức nữ, có khi là ngày bội thu của một năm thịnh vượng nhưng với xứ sở Phù Tang, lễ hội Kanamara Matsuri rước của quý bằng thép tôn vinh sức mạnh của bộ phận sinh sản nam thì có lẽ có 1- 0- 2 trên thế giới. Những người tham dự lễ hội tin rằng được ngồi lên hay chạm vào chiếc dương vật khổng lồ giúp họ thuận lợi trong sinh nở, có hôn nhân hạnh phúc.
Thế nhưng sự kì lạ chưa chịu dừng lại ở đất nước Nhật Bản mà lại tiếp tục là điểm đến để bạn khám phá với ngôi đền Jison-In.
Nhìn từ bên ngoài, đền Jison-in trông không có gì khác biệt so với các ngôi đền Phật giáo khác ở Nhật Bản, nhưng ở bên trong là hàng nghìn bầu ngực phụ nữ được treo khắp nơi.
Tọa lạc ở chân núi Koya, đỉnh núi thiêng liêng nhất của đất nước, trong thị trấn nhỏ Kudoyama ở quận Wakayama, ngôi đền Jison-In là một ví dụ điển hình của kiến trúc Phật giáo Nhật Bản.
Tuy nhiên, khi nhìn kĩ hơn, khách tham quan sẽ nhận thấy Jison-In của Nhật Bản có một chút khác lạ.
Ngôi đền chứa hàng trăm bộ ngực phụ nữ giả, được treo ở nhiều góc trong khu tổ hợp, những vật trang trí này được các du khách để lại như một vật cúng lễ tâm linh.
Các bộ ngực giả có rất nhiều kiểu dáng và kích cỡ. Nhiều bộ ngực giả rất phồng, được làm bằng vải và nhồi bông. Những bộ khác lại đơn giản hơn, chỉ là những khối gỗ, được trang trí như bầu ngực thật. Đồng thời, cũng có những bộ ngực giả “phẳng lì”, được vẽ thẳng trên nền gỗ.
Theo người đứng đầu của ngôi đền, Annan, phong tục này bắt đầu nhiều năm trước khi một bác sĩ ở thành phố lân cận Wakayama đến cầu nguyện cho một bệnh nhân phải điều trị bệnh ung thư vú. Người bác sĩ yêu cầu nhân viên đền thờ làm một biểu tượng bộ ngực phụ nữ để cúng lễ.
Lời đề nghị bất thường bắt đầu lan rộng. Ngay sau đó, ngôi đền trở nên nổi tiếng như một địa điểm cầu nguyện cho các vấn đề sức khỏe của phụ nữ.
Mọi người từ khắp nơi trên cả nước và cả ở nước ngoài bắt đầu đến đền cầu nguyện cho mẹ, vợ, chị em gái và con gái của họ.
Lời cầu nguyện không chỉ của những trường hợp ung thư vú, mà bao gồm cả cầu xin sức khỏe cho phụ nữ, xin cho vợ mình mang thai an toàn, con gái mình không bị ốm và thậm chí là xin cho vợ có nhiều sữa để nuôi con.
Ông Annan, người đứng đầu tổ hợp đền Jison trong hơn 40 năm
Không chỉ vậy, Jison-in còn là ngôi đền có giá trị lịch sử của Nhật Bản. Đền Jison-in được Kobo Daishi (Không Hải Đại Sư) thành lập như một cửa ngõ vào núi Koya linh thiêng vào đầu thế kỷ 9.
Không Hải Đại Sư hay Hoằng Pháp Đại Sư là một trong những nhân vật tôn giáo quan trọng nhất của Nhật Bản và là người sáng lập Chân Tông Phật Giáo (giáo phái Shingon).
Phía trên đỉnh núi là Danjo Garan, tổ hợp của hơn 20 công trình đền chùa linh thiêng.
Núi Koya từng là nơi cấm phụ nữ. Chỉ nam giới và những nhà sư mới được lên trên đỉnh vào các ngôi đền.
Tương truyền, mẹ của Không Hải Đại Sư khi đến thăm con cũng không được phép lên đỉnh núi mà chỉ được dừng chân ở đền Jison-in.
Ngày nay, núi Koya là một điểm đến thu hút du khách du lịch Nhật Bản và đền Jison hoạt động như một điểm khởi đầu của cuộc hành hương đến đỉnh núi thiêng.
Cũng giống như chùa Jison-In, đền Karube tọa lạc tại thành phố Soja, Okayama, Nhật Bản, thờ phụng Chichigamisama – nữ thần chuyên chăm lo cho vòng 1 của phụ nữ. Người dân tin rằng bà giúp đỡ những em bé được sinh ra an toàn, người mẹ sau sinh có nguồn sữa dồi dào và thậm chí chữa được bệnh ung thư vú.
Hầu hết phụ nữ đều đến Karube để cầu nguyện sinh con an toàn, có đủ sữa và một bầu ngực khỏe mạnh, không bệnh tật. Cũng có người tới đây để xin nữ thần ban cho một bầu ngực to hơn.
Phía trong đền được trang trí nhiều hình ảnh là bầu ngực của phụ nữ, đóng trên một ván gỗ nhỏ. Tại đây, họ viết lên đó những lời cầu xin với hy vọng sẽ đến tai nữ thần. Giá của việc treo lời thỉnh cầu này là hơn 2.500 yen (21 USD), và bạn cũng có thể đặt hàng online nếu cảm thấy hứng thú với tục lệ này.
Ngôi đền được xây dựng từ năm 1678 và nổi tiếng đến ngày nay là nhờ một hiện tượng kỳ lạ. Cây anh đào trồng gần đó bị chết bỗng nhiên chảy nước. Mọi người gọi đó là cây khóc và dòng nước là nước mắt của cây. Kỳ lạ hơn là cây này bỗng nhiên sống lại sau một thời gian ai cũng nghĩ nó đã chết vì quá già cỗi.
Đối với văn hóa phương Tây, những hình ảnh này có vẻ là sự phô trương kỳ dị, nhưng nhiều người cho rằng tính cởi mở của lễ hội mang tính lành mạnh khi tôn vinh khả năng sinh sản.
Riêng phụ nữ, ai cũng mong xinh đẹp và khỏe mạnh; nhưng nếu vướng phải 1 trong những điều thầm kín như trên thì ắt hẳn bạn không nên bỏ qua chùa Jison-In hay đền Karube – nơi bầu ngực phụ nữ là biểu tượng được tôn thờ ở Nhật. Đây cũng là một trong những sự kiện thu hút du khách tham gia tour du lịch Nhật Bản mùa xuân.