“Quẩy bung nóc” với những lễ hội hút khách du lịch nhất Nhật Bản (P.1)

Không chỉ riêng mùa hè, bất kì thời điểm nào trong năm xứ sở hoa anh đào cũng đều có các lễ hội và dưới đây xin giới thiệu đến bạn đọc những lễ hội hút khách du lịch nhất Nhật Bản.

Ở Nhật Bản hầu như mỗi tháng đều có rất nhiều ngày lễ, có lẽ vì vậy mà Nhật Bản được xem là đất nước của các lễ hội. Họ thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp và cả những phong tục, các lễ hội của Đất nước mình. Sau đây Chudu xin chia sẻ với các bạn những lễ hội hút khách du lịch nhất Nhật Bản.

1. Lễ hội Shogatsu

Không giống như các nước láng giềng khác ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam…, Nhật Bản tổ chức đón năm mới theo dương lịch theo phương Tây từ năm Minh Trị thứ 6, tức năm 1873. Người Nhật gọi dịp này là “Oshogatsu”, tuy nhiên về mặt phong tục thì vẫn giữ theo nét Á Đông.

Oshogatsu vốn là tên gọi riêng tháng giêng nhưng hiện nay thường dùng để chỉ khoảng thời gian từ mồng 1-3 của tháng đầu tiên trong năm. Người Nhật bắt đầu chuẩn bị cho Oshogatsu từ ngày 8-12 (ở vùng Kanto là ngày 13), để nghênh đón vị thần Toshigamisama.

Nhung-le-hoi-hut-khach-du-lich-nhat-Nhat-Ban-1

Người Nhật có tập quán trang trí cây thông (kadomatsu) trước cửa nhà, trước cửa hàng hay trước cổng công ty. Họ quan niệm cây thông này là nơi đón Toshigamisama – vị thần linh đem lại sự thịnh vượng, may mắn và trường thọ. Ngoài vật tiêu biểu là cây thông thì người Nhật còn dùng các loại thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng… tượng trưng nhiều mong ước, nhiều ý niệm khác nhau cho một năm mới tốt lành.

Đêm 30 tết là thời gian gia đình sum họp, cùng nhau ăn tất niên và chờ đón khoảnh khắc giao thừa. Trái với người châu Âu và người Mỹ thường đón Giáng sinh cùng gia đình còn khi giao thừa thì ra những địa điểm công cộng để chào mừng năm mới, người Nhật lại thường đi chơi Giáng sinh với người yêu, bạn bè và quây quần đón năm mới bên gia đình.

Vào đúng 0g đêm giao thừa, khắp các chùa trên đất nước Nhật Bản sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa xua đuổi 108 con quỷ sứ. Tiếng chuông cũng là âm thanh được coi là bậc nhất trong năm âm thanh của Phật pháp.

Thời khắc giao thừa, trong tiếng chuông ngân vang, sau khi nói lời chúc mừng năm mới tới mọi người xung quanh, tất cả sẽ quây quần bên nhau cùng thưởng thức rượu sake và các món ăn truyền thống vào dịp Oshogatsu.

2. Lễ hội Setsubun

Setsubun là lễ hội được diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 2 hàng năm hay còn gọi là lễ hội xua đuổi quỷ. Trong lễ hội này, người ta thực hiện nghi thức rắc đậu được gọi là Mamemaki. Vì theo quan niệm của người Nhật, đậu nành mang ý nghĩa sẽ giúp xua đuổi các linh hồn xấu, những sự xui xẻo. Bên cạnh đó, người ta sẽ ăn đậu nành tương ứng với số tuổi cộng thêm một hạt để mang may mắn đến trong năm mới. Tuy Setsubun không được xem là quốc lễ, nhưng được tổ chức trên khắp các chùa chiền và đền thờ Nhật Bản và được đông đảo người dân tham gia.

Nhung-le-hoi-hut-khach-du-lich-nhat-Nhat-Ban-2

Tại các đền, chùa người ta thường mời những người nổi tiếng, các đấu vật Sumo tham gia vào nghi lễ và được truyền hình trực tiếp trên cả nước.

Setsubun không chỉ được tổ chức tại các đền, chùa mà còn được thực hiện ở các gia đình người Nhật. Tại lễ hội này, người thực hiện là người đàn ông có tuổi hợp với năm đó, tính theo 12 con giáp của Trung Quốc, hoặc cũng có thể là trưởng nam trong gia đình, người thực hiện việc rắc đậu sẽ được gọi là toshiotoko. Những hạt đậu nành sẽ được rắc vào một thành viên mà đeo mặt nạ quỷ Oni hoặc rắc khỏi cửa nhà. Khi rắc đậu người ta sẽ đọc câu thần chú “Oni wa soto! Fuku wa uchi” được tạm dịch là “Quỷ cút ra! May mắn mời vào!”.

3. Lễ hội Hanami

Là một trong những lễ hội thu hút được rất nhiều khách trong trong tour du lịch Nhật Bản. Hanami là từ được ghép bởi hai từ “Hana” có nghĩa là hoa và “Mi” có nghĩa là ngắm nhìn. Hanami có nghĩa là thưởng lãm hoa và đây cũng là tên gọi của lễ hội nổi tiếng bậc nhất nước Nhật – Lễ hội ngắm hoa anh đào. Lễ hội này đã có một lịch sử lâu đời từ hàng ngàn năm nay và được coi là một nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản.

Bắt đầu vào khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, hoa anh đào trên khắp nước Nhật đồng loạt nở rộ trong khoảng 2 tuần rồi tàn nên thời điểm này được xem là thời điểm đẹp nhất để thưởng thức vẻ đẹp của hoa anh đào và cảm nhận không khí mùa xuân đang đến gần, lễ hội Hanami kéo dài cả ngày lẫn đêm trong khoảng 2 tuần.

Nhung-le-hoi-hut-khach-du-lich-nhat-Nhat-Ban-3

Khắp nơi đâu đâu cũng thấy những tán cây hoa anh đào nở rộ, bừng sáng cả một khoảng trời. Trong tiết trời se lạnh, từng đợt gió thổi qua khiến muôn vàn cánh hoa anh đào bay lượn trong gió tạo nên một cảnh sắc đẹp mê mẩn, rung động lòng người.

Mọi người tụ tập dưới những tán cây hoa anh đào nở rộ, tổ chức những bữa tiệc ngoài trời, ăn uống, trò chuyện và cùng nhau ca hát cả ngày lẫn đêm. Những người dân Nhật Bản thường chuẩn bị những món ăn truyền thống của đất nước mình như sushi, cơm hộp bento và một loại rượu thường uống trong lúc ngắm hoa được gọi là Hanamizake.

Cũng giống như Việt Nam, đất nước con người Nhật Bản rất đặc biệt bởi những lễ hội văn hóa truyền thống; tuy nhiên, điểm đặc biệt là họ rất biết cách tạo nên sự đặc sắc không bị mai một cho mình. Để biết đó là gì, chúng ấn tượng ra sao hãy tận mắt mục sở thị và “quẩy bung nóc” với những lễ hội hút khách du lịch nhất Nhật Bản nào.

Tin liên quan: