Vốn có bề dày những thói quen, luật lệ, Nhật Bản luôn khiến du khách phải “bở hơi tai”. Các nghi thức không chỉ được áp dụng ở đền chùa, nhà hàng… mà ngay cả khi uống trà bạn cũng cần tuân thủ các bước, như trong bài viết Nghệ thuật pha trà Cha No Yu sau.
Nói đến trà đạo là chúng ta nghĩ ngay đến đất nước Mặt trời mọc, nó không chỉ là thứ đồ uống thông thường mà còn là một môn nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét truyền thống Nhật Bản.
Nếu bạn có cơ hội công tác, du học hoặc du lịch tại Nhật Bản, bạn sẽ được giới thiệu về nét truyền thống trong ẩm thực của người Nhật này đấy. Nhưng trước tiên, bạn hãy tìm hiểu về Nghệ thuật pha trà Cha No Yu, để hiểu rõ hơn về văn hóa cũng như ẩm thực của người Nhật Bản nhé.
Việc uống trà vốn là để thưởng thức trà ngon, đàm đạo và đặc biệt là ngắm cảnh. Bởi, cái mùi vị nơi trà không quá nồng đậm mà nhẹ dịu, vấn vít nơi đầu lưỡi, dễ dàng mang lại cho người thưởng thức sự bình yên lạ kỳ.
Tuy nhiên, trong nghệ thuật trà đạo, hương vị của thức uống thực tế không đóng vai trò quan trọng như tên gọi. Bên cạnh việc chú trọng tới thao tác pha của người thực hiện cũng như cách thưởng trà của thực khách, trà đạo Nhật Bản còn đề cao mục đích hòa mình vào thiên nhiên mộc mạc để thanh lọc tâm hồn.
“Cha no yu” là một nghi thức pha trà trong trà đạo của Nhật Bản và còn được gọi là “chiếc hộp văn hóa truyền thống của Nhật Bản”, với nghệ thuật gốm sứ, tranh khảm, tre trúc trong trà cụ, cho đến nghệ thuật ẩm thực trong những chiếc bánh Wagashi được dùng khi uống trà, và cả những giá trị văn hóa trong không gian trà thất cùng với bộ Kimono của người pha trà, tất cả đã tạo nên nét văn hóa rất riêng trong trà đạo Nhật Bản.
Nghi thức pha trà là cả một nghệ thuật, thực hiện từ bước chuẩn bị đến pha trà với bộ trà cụ, và để pha một chén trà cũng cần rất nhiều thời gian và thao tác, ngay cả không gian để thực hiện nghi thức pha trà mời khách cũng khá đặc biệt. Gian phòng dùng để tiếp đãi khách gọi là trà thất “Chashitsu”, những bước pha trà gọi là “Temae”, chủ nhà còn gọi là “Teishu”.
Khi chủ nhà “Teishu” mời trà, họ sẽ phải cân nhắc thời gian, chủ đề của cuộc trò chuyện rồi bày biện các trà cụ, sau đó thanh tẩy chúng, rồi bắt đầu pha trà dọn cất trà cụ khi kết thúc, khách mời sẽ được phục vụ bánh Wagashi, thưởng trà và chào hỏi, đàm đạo cùng với Teishu.
Một trà thất luôn được bày trí cẩn thận theo nguyên tắc “thết đãi ngũ quan”. Đó là nơi bạn có thể nghe được tiếng lá reo xào xạc, tiếng nước sôi trong ấm, ngắm nhìn những bức tranh thủy mặc, thư pháp và những bình hoa trang trí, nếm vị ngọt của bánh Wagashi và ngửi mùi hương dễ chịu của trà. Đây là điểm thu hút trong nghệ thuật pha trà Cha no yu, một khoảnh khắc tuyệt vời để bạn có thể đến tìm hiểu cũng như thưởng thức một chén trà ngon.
Quy trình Temae
Quy trình pha trà Temae gồm các bước sau: thanh tẩy trà cụ, pha trà, đưa trà cho khách, kết thúc.
Thanh tẩy trà cụ và pha trà
Đưa trà cho khách và kết thúc
Trà cụ
Cha-dougu là những trà cụ xa xỉ chuyên dùng trong việc pha trà, thỏa mãn cả 2 yếu tố thẩm mỹ và khả dụng. Những trà cụ dưới đây chỉ là một phần trong hơn 100 loại trà cụ nếu đi vào chi tiết.
Mỗi loại trà cụ đều có thêm nhiều món khác nhau được phân theo mùa, chất lượng, chất liệu và nhà chế tác,… Trà cụ đóng vai trò không nhỏ trong sự phát triển của ngành mỹ thuật công nghiệp Nhật Bản.
Một số trà cụ cơ bản
1- Ấm trà (Kama): ấm nước bằng sắt để đun nước, kích cỡ khác nhau tùy theo mùa.
2- Gáo múc nước (Hishaku) : dùng để múc nước và nước nóng ra chén trà.
3- Chậu đựng nước (Kensui): chậu đựng nước rửa chén trà sau khi uống hay đựng nước không dùng nữa trong Temae. Chậu được làm bằng kim loại, gốm sứ, gỗ.
4- Chén trà (Chawan): chén đựng trà để uống, có nhiều loại, có những chén trà có hình dáng đặc biệt được dùng theo mùa.
5- Hũ đựng trà (Natsume): hũ đựng bột trà. Tùy theo loại trà được pha mà Temae có nhiều loại hũ đựng khác nhau như làm bằng sơn mài hay gốm…
6- Hũ đựng nước (Mizusashi): dùng để đựng nước sử dụng trong Temae, chất liệu đa dạng, kim loại, sứ, thủy tinh, gỗ,…
7- Muỗng múc trà (Chashaku) : muỗng múc bột trà, được làm bằng tre, gỗ…
8- Cây đánh trà (Chasen): dụng cụ pha trà Matcha, được làm từ tre, phần đầu trông như chiếc lồng đèn với nhiều cọng tre mảnh nhỏ, rất mềm nên không làm trầy xước chén trà.
9- Khăn Chakin: khăn lau chén trà trước và sau khi pha trà.
10- Khăn Fukusa: khăn lau hũ đựng trà, muỗng trà,…
Với cách uống trà cầu kỳ, độc đáo và tinh tế này của người Nhật đã đưa cách uống trà Nhật trở thành một môn nghệ thuật mà cả thế giới phải nể phục và thưởng thức.
Nếu đến Nhật Bản và muốn thưởng thức nghệ thuật pha trà Cha No Yu bạn có thể ghé thăm Trà thất “Tea ceremony experience En” ở Gion, Kyōto. Nơi du khách sẽ được tham gia Trà Đạo và nghe giải thích bằng tiếng Anh và tiếng Nhật, với mức phí áng chừng 2.000 yên.