Không chỉ xinh xắn, tao nhã Wagashi còn được ví là món bánh ngọt truyền thống Nhật Bản được dùng trong hầu hết các buổi trà đạo, tiệc cưới hoặc dùng làm quà tặng cho bạn bè, người thân.
Wagashi theo tên phiên âm tiếng Việt là Hoa quả tử – nghĩa là “vẻ đẹp tự nhiên”, loại bánh này xuất hiện từ khá lâu nhưng chỉ tới cuối thời đại Taisho (1912 – 1926) thì cái tên này mới được sử dụng chính thức để phân biệt bánh kẹo Nhật Bản cổ truyền với sự xâm nhập ồ ạt của các loại bánh ngọt phương Tây – Yogashi.
Nguyên liệu trong loại bánh này đa phần được lấy từ tự nhiên: các loại đậu, ngũ cốc, rong biển, các loại thảo quả sấy khô, các nguyên liệu truyền thống vì thế mùi vị thiên nhiên thanh khiết trong chúng sẽ vô cùng nhẹ nhàng, mát lạnh như tan ra trên đầu lưỡi.
Để cảm thụ Wagashi, không chỉ đơn giản là ăn để no mà bạn phải thưởng thức chúng bằng cả 5 giác quan: nghe tên gọi bằng tai, nhìn bằng mắt, chạm bằng tay, ngửi bằng mũi và nếm bằng miệng.
Nghệ thuật sáng tạo hình dạng của wagashi cũng không hề thua kém sự sáng tạo trong thi ca, văn học hay bất cứ hình thức nghệ thuật nào của nền văn hóa Phù Tang. Mỗi chiếc bánh Wagashi qua bàn tay tài hoa của người nghệ nhân dường như có thể “tái hiện” các tạo vật trong địa đàng ẩm thực Nhật Bản một cách sống động và tinh tế nhất: từ lá cây, hoa quả đến chim thú, mặt hồ…
Dưới đây xin giới thiệu đến bạn 12 loại bánh wagashi trong năm của Nhật Bản:
Tháng 1: Hanabira mochi – loại bánh ăn vào dịp năm mới với nhân bột Miso và rễ cây ngưu bàng ninh trong nước xi-rô. Cách làm này bắt nguồn từ việc làm bánh để phục vụ cho các lễ nghi đầu năm tại Cung điện.
Tháng 2: Kobai – bánh có hình giống trái mơ Nhật Bản được làm bằng bột đậu và bột lúa mạch.
Tháng 3: Hishi mochi – loại bánh thường dùng để trang trí trong lễ hội búp bê Hina Matsuri.
Tháng 4: Hana-mi dango – loại bánh phổ biến vào những năm 1800 như một món bánh ngon cho những người ngắm hoa anh đào.
Tháng 5: Kashiwa mochi – chiếc bánh làm bằng gạo nếp này có nhân đậu và được gói trong một cái lá sồi. Loại bánh này được ăn vào dịp lễ Tango no Sekku (Tết Đoan Ngọ), tổ chức vào 5 tháng 5.
Tháng 6: Ajisai
Một miếng Yokan màu tím nhạt (bánh thạch đậu adzuki ngọt) được cắt thành hình khối với các góc tròn để làm cho nó trông giống một bông hoa Ajisai (hoa tú cầu). Nhân bánh làm bằng bột đậu trắng. Chiếc bánh này sẽ làm bạn quên đi thời tiết ảm đạm của mùa mưa.
Tháng 7: Mizukusa và seiryu
Tháng 8: Mizu yokan, loại bánh được làm bằng bột đậu và thạch, là loại thức ăn lý tưởng dành cho những ngày hè nóng nực.
Tháng 9: O-hagi – Loại bánh này thường để dâng cúng vào thời điểm thu phân.
Tháng 10: Kuri no yaki-gashi
Hạt dẻ hầm trong nước xi-rô, được bọc trong bột hạt dẻ rồi đem nướng. Vào mùa thu, rất nhiều bánh kẹo làm từ hạt dẻ được bầy bán khắp cả nước.
Tháng11: Momiji – loại bánh dành cho bữa tiệc cuối thu đẹp mắt và ngon miệng, như sắc và hình dáng của lá cây thích Nhật Bản vào mùa thu.
Tháng 12: Yuzu manju
Vỏ trái thanh yên yuzu mài ra cho vào bột lúa mì và khoai lang yamato rồi đem hỗn hợp này hấp chín. Hỗn hợp này sau đó được bọc xung quanh mứt đậu, tạo thành cái bánh bao có hình dạng giống như một trái thanh yên vậy. Mùi thơm của trái thanh yên yuzu nhẹ nhàng bốc lên từ bánh rất hợp với tâm trạng thích thú của mùa đông.
Vậy là bạn đã biết được 12 loại bánh Wagashi – bánh ngọt truyền thống Nhật Bản dành cho các tháng trong năm rồi, nếu có dịp tới đất nước Nhật Bản hay vào quán ăn của người Nhật, đừng quên hỏi về chúng để có dịp thưởng thức hương vị 4 mùa trong chiếc bánh nhỏ xinh này nhé.