Với nhiều tên gọi khác nhau, Ise Grand Shrine hay còn gọi là Ise Jingu được biết như điểm đến linh thiêng của đạo Shinto – Nhật Bản và cứ 20 năm đền thờ đều được xây dựng lại.
Với lịch sử khá lâu đời, Ise Jingu (hay Thần cung Ise) đã được khởi công xây dựng từ thế kỷ 5 nhằm tôn vinh Amaersu – Omikami, vị nữ thần được xem là tổ tiên của các gia đình hoàng tộc.
Đền Jingu sở hữu diện tích khá rộng lớn với hơn 5.500 ha (chiếm 1/5 diện tích thành phố Ise), trong đó ngôi đền nằm ở vị trí trung tâm Naiku và cũng là ngôi đền lớn nhất trong khu phức hợp hơn 125 ngôi đền thuộc thành phố Ise, tỉnh Mie. Bên ngoài ngôi đền chỉ cách nhà ga Ise-shi 10 phút đi bộ, còn bên trong cách đó khoảng 6km và là điểm đến hấp dẫn đón hàng triệu người hành hương, du lịch hằng năm.
Một người lớn phải mất đến 40 phút để có thể tham qua hết Nội cung.
Không chỉ hấp dẫn du khách bởi nền văn hóa lâu đời, một điều được xem là thú vị về Ise Jingu là toàn bộ các điện thờ ở Naiku (điện trong), Geku (điện ngoài) và cả cây cầu gỗ Uju dài 100 mét đều được xây dựng lại mỗi 20 năm. Theo đó, toàn bộ nghi lễ cho việc xây dựng lại đền sẽ được kéo dài ít nhất 8 năm và chi phí cho một lần xây dựng này tốn đến 1 tỷ USD.
Lễ hội Okihiki, người dân đem những cây gỗ lớn để làm đền mới
Cứ như thế, truyền thống được gìn giữ suốt 1.300 năm qua với ngân sách được lấy từ những người nộp thuế, các quỹ từ thiện riêng của các chủ doanh nghiệp hoặc thành viên Hoàng gia nhằm tôn tạo lại một phần tín ngưỡng dành cho đạo Shinto về cái chết và sự tái sinh, cũng như tìm kiếm sự vô thường trong những điều không hoàn hảo (wabi-sabi).
Đặc trưng ở Geku đó là có rất nhiều màu xanh. Không gian tĩnh lặng và thanh bình
Đằng sau hàng rào gỗ là nơi chỉ dành cho thành viên gia đình hoàng tộc
Mặc dù công trình được xây dựng và tu bổ sau 20 năm/lần, nhưng các ngôi đền khi được xây lại đều giống hệt như ban đầu: sử dụng các phương pháp và kỹ thuật truyền thống bao gồm các khớp gỗ để lồng vào nhau. Sau khi hoàn thành xây dựng, người dân sẽ tổ chức buổi lễ kỷ niệm đặc biệt rước thánh thần về nhà mới. Gỗ của các tòa nhà cũ cũng không bị vứt bỏ mà sử dụng để sửa chữa torii (cổng đền). Phần còn lại sẽ được chuyển tới các đền thờ khác trên khắp Nhật Bản để tái cấu trúc hoặc xây dựng.
Để thăm đền Naiku, du khách phải đi bộ qua cầu Uji, chỉ có gia đình hoàng tộc mới có thể đi xe qua cầu đến thẳng chính điện. Trên đường đi sẽ có chỗ gọi là “Chozusha”, nơi rửa tay và xúc miệng sạch sẽ trước khi vào viếng đền. Vì nơi đây là khu vực linh thiêng đối với người Nhật vì thế du khách cần lưu ý không nên gây ồn ào làm mất vẻ trang nghiêm.
Chouzuya, nơi để rửa tay và miệng sạch sẽ trước khi vào lễ bái.
Cách rửa tay trước tiên các bạn nên cúi chào rồi cầm gáo múc nước bằng tay phải, rửa sạch tay trái trước. Sau đó đổi sang cầm gáo bằng tay trái rồi rửa sạch tay phải.
Tính đến năm 2013, ngôi đền đã được tu sửa 62 lần và lần xây dựng kế tiếp sẽ được lặp lại vào năm 2033. Mỗi lần xây xong, đền đều tổ chức nhiều lễ hội để đánh dấu mốc thời gian quan trọng. Trong số đó, lễ hội Okihiki được tổ chức trước năm xây lại đền khoảng chục năm, vào hai mùa xuân liên tiếp.
Ví như năm 2013 xây đền thì Okihiki được làm vào mùa xuân 2005, 2006. Người dân từ khắp các tỉnh thành lân cận sẽ tới đem những khúc gỗ lớn qua các phố của thành phố Ise. Những khúc gỗ này lấy từ cây bách Nhật Bản từ một khu rừng thiêng nằm bao quanh hai đền. Chúng sẽ được dùng để xây đền mới thay thế. Khoảng 10.000 cây bách sẽ được chặt xuống cho mỗi lần xây dựng. Nhiều cây trong số đó có tuổi thọ lên tới 200 năm.
Bên trong khuôn viên đền thần có nhiều điện, cách lễ bái ở các điện đều như nhau: Cúi chào 2 lần, vỗ tay 2 lần rồi lại cúi chào 1 lần nữa.
Với những thông tin hữu ích trên hi vọng sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về Nhật Bản cũng như về điện Ise Jingu cho kỳ nghỉ sắp đến của mình, chắn hẳn khi đến đảo quốc này bạn sẽ khám phá được thêm nhiều điều thú vị hơn thế.