Ai cũng biết trồng lúa nhằm mục đích tạo ra nguồn lương thực nhưng tại Inakadate, Nhật Bản đó còn là nơi khởi nguồn của nghệ thuật Tanbo trên những cánh đồng lúa được ra đời vào năm 1993 nhằm kỷ niệm 2.000 năm trồng lúa tại nơi đây.
Nghệ thuật Tanbo Nhật Bản hay còn gọi là nghệ thuật trên cánh đồng lúa ở Nhật được bắt nguồn từ năm 1993 với cảm hứng của những người nông dân khi muốn tạo ra một thứ khác biệt từ chính cánh đồng lúa quen thuộc. Ban đầu, những người nông dân chỉ muốn tạo ra một bức tranh ở cánh đồng sau tòa thị chính nhằm tôn vinh truyền thống lịch sử trồng lúa 2000 năm của làng nhưng sau đó nó được rất nhiều người khen ngợi, từ đó đến nay những bức tranh nghệ thuật trên cánh đồng lúa ở Nhật được duy trì hàng năm và nghệ thuật Tanbo Nhật Bản đã ra đời.
Ngôi làng mà Chudutravel vừa nhắc đến phía trên là Inakadate, một ngôi làng nhỏ ở quận Aomori, phía bắc đảo Honshu, Nhật Bản với dân số 8.000 người. Tuy nhiên, ngôi làng mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn du khách đến tham quan nhờ sáng kiến độc đáo – nghệ thuật Tanbo trên những cánh đồng lúa.
Đầu tiên những người nông dân ở Inakadate sẽ chọn một bức tranh phù hợp với yêu cầu, sau đó quét trên máy tính để cho bức tranh đó nằm trọn trong bản đồ khu ruộng lúa. Tiếp theo đó họ chia khu ruộng ra theo tỉ lệ chính xác như khi họ cấy và từ đó họ có thể xác định chính xác từng gốc lúa họ cần trồng có màu gì và tương ứng với điểm nào trên bức tranh. Công việc cuối cùng là lên kế hoạch để trồng lúa, họ chọn cả những giống lúa thường và cả những giống lúa đặc biệt để tạo màu sắc khác biệt cho bức tranh.
Trong các giống lúa có hai giống lúa thường được sử dụng nhất là tsugaru-roman (lúa thường) và kodaimai. Giống lúa thường sẽ được trồng để tạo nền màu xanh cho bức tranh, màu tím và màu vàng là giống lúa kodaimai; ngoài ra còn có màu nâu, màu đỏ…
Vào tháng 4 hàng năm, sau khi lên kế hoạch chuẩn bị cho một tác phẩm Tanbo, khoảng 1000 người nông dân được huy động để thực hiện tác phẩm nghệ thuật này. Cánh đồng sẽ được chia ra làm nhiều khu vực và lúa được trồng xuống cũng không cùng lúc, người dân phải tính toán sao cho độ cao thấp của từng cây lúa đảm bảo bức tranh hài hòa vừa có chiều sâu vừa có màu sắc chuẩn.
Chính vì lý do này quá trình trồng lúa có thể kéo dài một vài tháng và khá tốn kém chi phí. Ước tính chi phí cho một tác phẩm nghệ thuật như vậy tốn khoảng 350,000 yên mỗi năm cùng với khoảng 1000 nhân công. Một điểm thú vị khác đó chính là mỗi năm người dân làng Inakadate lại cho ra mắt một tác phẩm Tanbo khác nhau nên năm nào nơi đây cũng thu hút rất nhiều khách du lịch tới thăm quan.
Từ những tòa nhà cao tầng xung quang, người ta có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm này, nhưng tuyệt vời nhất vẫn là ngắm nhìn từ trong máy bay bay ngay qua khu vực này.
Vào khoảng 20 năm trước đây, làng Inakadate rơi vào thảm cảnh nợ nần chồng chất, mùa màng thất thu, người dân bỏ làng đi ngày một nhiều. Năm 1981, các nhà khảo cổ phát hiện những cổ vật của những cánh đồng lúa cách đây 2.000 năm, khiến Inakadate trở thành một trong những vùng trồng lúa lâu đời nhất miền bắc Nhật Bản. Dân làng tranh thủ dịp này để phát triển kinh tế bằng cách xây dựng một công viên giải trí theo chủ đề thời kỳ đồ đá mới. Tuy nhiên, dự án thất bại thảm hại, ngôi làng tiếp tục chìm trong món nợ khổng lồ lên tới 106 triệu USD, con số này cao gấp 3 lần tổng ngân sách hàng năm.
Nhờ vào các tác phẩm Tanbo độc đáo, làng Inakadate đã thành công quảng bá hình ảnh cũng như thương hiệu Tanbo Nhật Bản độc đáo trên toàn thế giới. Để phục vụ du khách tới với làng, người dân còn xây dựng nhiều tháp cao để khách du lịch có thể chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của cánh đồng dưới bàn tay tài hoa của những người nông dân. Hiện nay không chỉ có làng Inakadate, một số ngôi làng khác cũng học theo làng Inakadate tạo ra những tác phẩm Tanbo Nhật Bản rất độc đáo tuy nhiên đặc sắc và đáng chờ đợi nhất hàng năm vẫn là Tanbo trên những cánh đồng lúa ở làng Inakadate
Nếu có chuyến du lịch Nhật Bản vào tháng 9, du khách của Chudutravel có thể cân nhắc Inakadate như một điểm đến đáng được khám phá đấy. Hẹn gặp lại các bạn tại Inakadate vào tháng 9 tới nhé!