Cùng với Mỏ đồng El Teniente, Chile; Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ; Mỏ vàng Sanford Lab, Nam Dakota; G-Cans hệ thống cống ngầm lớn nhất thế giới dưới lòng Tokyo, được xây dựng nhằm bảo vệ cho cư dân khỏi những cơn mưa và bão nhiệt đới.
Do vị trí địa lí nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương, ở điểm nối của ba vùng kiến tạo địa chất cho nên Nhật Bản thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai như động đất, núi lửa và đặc biệt là sóng thần. Bên cạnh đó, địa hình núi dốc của Nhật chiếm tới 75% diện tích đất đồng nghĩa với việc khi mưa lớn, các dòng sông tại đây rất dễ bị tràn, gây ra tình trạng ngập lụt.
Nằm sâu dưới thành phố Saitama, ngoại ô Tokyo là một hệ thống cống thoát nước khổng lồ. Công trình kiến trúc này được xây dựng để bảo vệ 13 triệu cư dân của thành phố khỏi mưa lớn và cơn bão nhiệt đới ngày càng khắc nghiệt thường tấn công Nhật Bản.
Tên đầy đủ của công trình này là “Kênh xả ngầm ngoài khu vực đô thị” (Metropolitan Area Outer Underground Discharge Channel) nhưng vẫn thường được gọi là G-Cans. Tổ hợp những đường hầm khổng lồ này được xây dựng từ 1992 đến 2006, tiêu tốn một khoản tiền gần 3 tỷ USD (khoảng 62.400 tỷ VND). Công trình gồm 5 hầm chứa bằng bê-tông với chiều cao 65m và đường kính 32m, nối với nhau bằng các đường hầm dài 6,4km.
Bên cạnh đó là một bể nước lớn cao 25,4m, dài 177m và rộng 78m mang tên gọi riêng “The Temple”(Ngôi Đền). Nâng đỡ bể nước tối quan trọng này là 59 cột trụ lớn, mỗi cột trụ nặng khoảng 500 tấn, kết nối với 10 máy bơm công suất cao có thể bơm tới 200 tấn nước ra sống Edogawa mỗi giây.
Bản thân công trình kiến trúc này là một tác phẩm kỳ công của kỹ thuật hiện đại. Ý tưởng đằng sau dự án này thực sự khá đơn giản, đó là chuyển hướng tất cả lượng nước mưa từ bão biển, bão nhiệt đới và lũ lụt từ các thành phố, thị trấn xung quanh, đặc biệt là Tokyo ra sông Edogawa. Điều này nhằm mục đích giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại mà lũ lụt có thể đem lại như phá hủy nhà cửa và các công trình xây dựng quan trọng.
Bể nước khổng lồ “Ngôi đền dưới mặt đất” chính là điểm nhấn ấn tượng nhất của cả khu vực này. Với kích thước khổng lồ và độc đáo của mình, công trình kiến trúc đồ sộ này đã được đưa vào làm bối cảnh của nhiều bộ phim truyền hình khác nhau.
Nước lũ từ các đường ống dẫn nước của thành phố sẽ chảy qua đường hầm và vào bên trong hầm chứa nước. Khi hầm đầy, nước sẽ di chuyển qua các đường hầm dài để cuối cùng chảy vào “ngôi đền dưới lòng đất” đồ sộ này. Từ đây, 4 tuabin chạy bằng động cơ phản lực sẽ thực hiện nhiệm vụ và bơm nước với công suất 53.000 lít nước mỗi giây ra bên ngoài sông Edogawa.
Theo hội đồng của trung tâm quản lý thiên tai Tokyo, nếu lượng mưa tổng cộng vào khoảng 550mm trong ba ngày liên tục rơi xuống Tokyo, gây tràn sông Arakawa thì sẽ có đến 97 trạm tàu điện ngầm bị ngập hoàn toàn trong nước. Đó chính là trường hợp mà G-cans được xây dựng để giải quyết. Tuy nhiên viễn cảnh nói trên chỉ là một sự kiện 200 năm mới có một lần và thực sự rất hiếm gặp. Do vậy mà hiện tại, G-cans vẫn chỉ tồn tại như một công trình kiến trúc khổng lồ bỏ không dưới lòng đất.
Kể từ ngày hệ thống này đi vào hoạt động, chưa có lần nào phải sử dụng cả bốn máy bơm đồng loạt. Chỉ có một lần duy nhất các nhân viên cho chạy đồng thời hai máy bơm để tăng lượng nước.
Dù có thực sự là một “vũ khí ngầm” hay không, dự án G-cans vẫn là một công trình đáng kinh ngạc với vẻ đẹp kỳ lạ và độc đáo. Công trình này chỉ được sử dụng khoảng 7 lần một năm và khi không thực hiện chức năng thoát nước của mình, công trình kiến trúc này trở thành nơi tiếp đón khách du lịch 4 ngày/tuần. Nếu có dịp, hãy thử một lần đến với G-cans – hệ thống cống ngầm lớn nhất thế giới dưới lòng Tokyo, đứng ở 50m dưới lòng đất với âm thanh của những máy nén khí và nước nhỏ giọt ở xa vọng lại thực sự sẽ là một trải nghiệm thú vị đấy!