Với tuổi đời lên đến 400 năm Nakizumo – lễ hội dọa trẻ con ở Nhật Bản là được biết đến như một nghi lễ thiêng liêng và gìn giữ như cách xua đuổi tà ma, đem lại sức khỏe cũng như may mắn cho các em bé.
Ai cũng muốn được mọi người yêu mến, kể cả trẻ thơ nhưng khi đến với Nakizumo – lễ hội dọa trẻ con ở Nhật Bản bạn càng phải dọa chúng khóc càng to, càng lâu thì phụ huynh càng vui mừng bấy nhiêu.
Và cứ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 hàng năm là mọi nơi trên xứ sở hoa Anh Đào lại diễn ra lễ hội Nakizumo.
Tại lễ hội, hơn 100 đứa trẻ được bố mẹ đưa đi tham dự cuộc thi khóc độc đáo này. Tại đây những võ sĩ sumo to lớn sẽ bế lũ trẻ và cố gắng làm chúng bật khóc. Người ta tin rằng nghi lễ này mang lại sức khỏe, sự may mắn cho các em nhỏ, đánh dấu mốc lớn khôn và giúp xua đuổi quỷ dữ. Trong khi đó các nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản cho biết, lễ hội này bắt đầu từ thời kỳ Edo (1603-1867) và đã tồn tại hơn 400 năm.
Bình thường, tiếng trẻ con khóc thét sẽ làm các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng, khó chịu nhưng trong lễ hội Nakizumo tại Nhật Bản, họ mong con mình òa khóa đầu tiên hoặc gào khóc to nhất, lâu nhất, vì tin rằng đó là một điềm lành. Những đứa trẻ như thế được coi là khỏe mạnh nhất.
Trước tiên, cha mẹ hoặc ông bà sẽ bế các bé đứng trước ban thờ Shinto để sư thầy làm lễ tẩy uế. Sau đó, những đứa trẻ sơ sinh được chia theo cặp. Và mỗi lượt, các võ sĩ Sumo sẽ ôm bọn trẻ trong vòng tay khổng lồ, lắc nhẹ và lên giọng gầm gừ để đứa bé sợ quá bật khóc. Nhóc con nào òa khóc đầu tiên sẽ là người chiến thắng cuộc thi.
Sau một lúc, nếu các cô, cậu tí hon vẫn lì lợm không đổ lệ, một vị trọng tài sẽ xuất hiện, đeo mặt nạ truyền thống hoặc hóa trang theo phong cách dữ tợn, chạy đến trước mặt đứa trẻ, hú hét, dọa nạt để khiến nó òa khóc.
Tại lễ hội 14/05 vừa qua, trên 120 em bé đã góp mặt tại chùa Sensoii Tokyo để tham gia thi thố. Ở dưới khán đài bố mẹ và khán giả luôn hồi hộp chờ đợi tiếng khóc đầu tiên của con.
Hiện Nakizumo – lễ hội dọa trẻ con ở Nhật Bản vẫn được duy trì và tổ chức khắp mọi miền đất nước nhưng phong tục, luật lệ thì sẽ được biến đổi tùy theo từng vùng. Ở một số nơi, đứa trẻ đầu tiên òa khóc, lại trở thành người thua cuộc.